Triều Tiên hôm 6/1 tuyên bố thử nghiệm thành công bom H, hay còn gọi là bom nhiệt hạch. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự và tình báo Hàn Quốc nói rằng rất khó tin Triều Tiên đã thử bom H, mà đây có thể chỉ là bom A - loại vũ khí hạt nhân lấy năng lượng từ quá trình phân hạch. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng nghi ngờ tuyên bố của Bình Nhưỡng.
Theo Wired, vì nhà lãnh đạo Kim Jong Un không cho phép thanh tra quốc tế tiếp cận địa điểm thử nghiệm, cách duy nhất để kiểm tra tính xác thực là phân tích dữ liệu từ hệ thống cảm biến toàn cầu.
Vị trí bãi thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 6/1. Ảnh: ABC News
Triều Tiên từng thực hiện ít nhất ba vụ thử vũ khí hạt nhân, nhưng theo kết quả phân tích, hầu hết chuyên gia tin rằng đây không phải bom H mà là bom nguyên tử, hay bom A. Loại vũ khí này lấy năng lượng từ quá trình phân hạch, hay còn gọi là phân rã hạt nhân (những hạt nhân lớn như Plutonium phân rã thành những hạt nhân nhỏ hơn và các sản phẩm phụ khác). Bom phân hạch có khả năng hủy diệt lớn, giống như những quả bom từng dội xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.
Trong khi đó, năng lượng của bom nhiệt hạch, phát sinh do phản ứng hợp hạch, từ các hạt nhân cỡ nhỏ như hydro kết hợp với nhau để tạo thành hạt nhân lớn hơn. Để kích hoạt quá trình nhiệt hạch, các hạt nhân cần nguồn năng lượng cực lớn nằm ngay bên trong lõi của bom hạt nhân.
Các nhà khoa học Mỹ từng cho nổ quả bom H đầu tiên vào năm 1952, trên một đảo san hô ở Thái Bình Dương. Nó có sức mạnh gấp 500 lần mạnh so với quả bom Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki. Bom H hiện nay còn mạnh hơn ít nhất hai lần.
Sóng địa chấn
Dù đây là loại bom nào đi chăng nữa, Triều Tiên đã thử nghiệm nó dưới lòng đất. Do đó, phân tích đặc tính riêng của năng lượng địa chấn là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tìm ra nguyên nhân gây dịch chuyển vỏ trái đất.
Các vụ nổ, phun trào núi lửa và đổ sụp dưới lòng đất phần lớn tạo ra áp lực nén và sinh sóng P. Động đất thường xảy ra khi hai lớp đá trượt qua nhau sẽ tạo ra sóng S. Máy ghi địa chấn ghi lại các thông số chuyển động ba chiều và đưa ra kết quả về loại sóng được sinh ra.
"Hãy tưởng tượng bạn có một lò xo xoắn ốc slinky. Nếu chỉ đẩy một đầu, lò xo sẽ nén lại và giải phóng sóng P từ nguồn phát đến nguồn nhận. Đối với sóng S, bạn sẽ phải lắc lò xo từ bên này sang bên kia", chuyên gia địa chấn học Terry Wallace mô tả.
Mô phỏng cấu tạo và cơ chế hoạt động của bom nguyên tử. Ảnh: NY Times
Một vụ nổ ngầm phần lớn sinh sóng S, nhưng tín hiệu có thể bị nhiễu do tính gián đoạn trong lòng đất và sự thay đổi về nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến kết quả đo. Do đó, các nhà địa chấn thu thập dữ liệu từ nhiều cảm biến khác nhau. Tổ chức Hiệp định cấm thử vũ khí hạt nhân hoàn toàn (CNTBTO), cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi các vụ nổ nguyên tử, hiện có 42 trạm thu địa chấn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, dù ghi được cường độ động đất, giới khoa học cũng chưa xác định đây là một vụ nổ hóa học hay bom hạt nhân. Theo Wallace, với một lượng TNT hay chất nổ thông thường đủ lớn, một nước có thể tạo ra một vụ nổ giống hạt nhân.
Phóng xạ
Nguồn gốc chất phóng xạ có thể giúp chứng minh đâu là một vụ nổ bom H. CNTBTO có các trạm phát hiện hạt nhân phóng xạ rải rác khắp nơi trên thế giới. Hệ thống phát hiện bụi phóng xạ hút khí thông qua bộ lọc, từ đó các loại hạt và phóng xạ của chúng sẽ cung cấp đầu mối về loại bom. Với một quả bom nguyên tử điển hình, bụi phóng xạ bao gồm uranium hoặc plutonium bị phân rã.
Bom H cũng sử dụng những vật liệu này, nhưng bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng lớn hơn hàng nghìn lần. Kết quả phân tích ở Trung Quốc năm 1991 cho thấy một vụ nổ bom H sẽ có nhiều plutonium và uranium ít phân rã, tỷ lệ đồng vị phân rã cũng khác nhau. Xác định các hạt được tìm thấy sau khi nổ bom H đồng nghĩa với việc có thể tự tạo loại vũ khí này. Nhưng nếu vụ nổ xảy ra dưới lòng đất, việc phát hiện hạt nhân phóng xạ sẽ khó hơn.
Xenon là khí phóng xạ mạnh và có thể phân rã. Tốc độ phân rã sẽ cho thông tin chính xác về tuổi của nguyên tử Xeon. Năm 2013, một bộ cảm biến của Nhật từng xác định tuổi của đồng vị Xenon là 55 ngày, trùng với thời điểm thử bom của Triều Tiên. Bom H sẽ có dấu hiệu về khí khác so với bom A, nhưng khác biệt này là bí mật quốc gia.
Ngoài yếu tố thời gian, giới nghiên cứu có thể dựa vào mô hình thời tiết để dự đoán cách các hạt được phân tán trong không khí. Năm 2013, cảm biến của Nhật Bản xác định các phân tử Xenon có nguồn gốc từ cơn địa chấn ở Punggye-ri, Triều Tiên.
Tại sao chuyên gia nghi ngờ
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đã thử nghiệm một loại bom có sức huỷ diệt lớn khi được bổ sung tritium, một đồng vị của hydro. Tuy nhiên, sức mạnh tàn phá của nó chưa thể sánh với bom H và vì vậy không thể coi là vũ khí nhiệt hạch.
Mô phỏng cấu tạo và cơ chế hoạt động của bom H. Ảnh: NY Times
Theo New York Times, bom nguyên tử hoạt động bằng cách nén lõi uranium hoặc plutonium cho đến khi các hạt nhân trong lõi tách ra và gây nổ. Loại bom Triều Tiên sử dụng có cơ chế tương tự, nhưng một lượng nhỏ tritium ở lõi khiến vũ khí này có sức mạnh huỷ diệt lớn hơn.
Nhà Trắng cho biết dữ liệu ban đầu từ các trạm quan sát tại châu Á "không phù hợp" với tuyên bố thử nghiệm bom H của Triều Tiên.
Dấu vết địa chấn chỉ ra rằng vụ thử hôm 6/1 được thực hiện ở khu phức hợp Punggye-ri - nơi Triều Tiên từng thực hiện ba vụ thử hạt nhân trước đó. Ẩn mình trong các vách núi, bãi thử được thiết kế trong một căn cứ với nhiều đường hầm dưới lòng đất.
Hình ảnh vệ tinh trong năm qua cho thấy công trình xây dựng trên một đường hầm mới ở đây, nhưng không rõ liệu đường hầm này có phải được sử dụng trong vụ thử mới nhất hay không.
"Tuyên bố thử hạt nhân của Triều Tiên là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Nó phải được đáp trả bằng các hành động cứng rắn và nỗ lực cụ thể nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ, Bob Menendez nhận định, đồng thời kêu gọi các hình phạt mới.
Theo các hiệp ước quốc tế mà Bình Nhưỡng không ký kết, không quốc gia nào được phép kích nổ một trong hai loại bom huỷ diệt trên. Mối bận tâm thực sự hiện nay là liệu Triều Tiên có thể thả bom nguyên tử xuống một nước khác hay không, khi họ cần một phương tiện mang bom nhưng hiện không có.
Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho rằng ngay cả khi chế tạo thành công bom H, các kỹ sư Triều Tiên vẫn chưa thử nghiệm "thiết bị quay trở lại" có tác dụng bảo vệ đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, ông đề cập đến nguy cơ nước này có thể đặt bom lên thuyền và thả trôi đến cảng của một nước khác.
Theo: Tin Thế Giới
Nguồn: tin tức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét