Truyền thông nhà nước Nga đặt giả thuyết cho rằng, liệu việc đưa quân đội đến miền Bắc Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xem là bước đầu tiên của âm mưu sáp nhập phần lãnh thổ phía Bắc Iraq vào bản đồ lãnh thổ của Ankara?.
Sputnik dẫn nhận định của nhà phân tích quân sự Stanislav Ivanov đăng trên tuần san New Eastern Outlook cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng lợi dụng tình cảnh hiện nay ở miền Bắc Iraq để tạo ra một lực lượng trung thành với Ankara trong trường hợp không sáp nhập được tình Mosul của Iraq vào lảnh thổ của mình.
Nhà phân tích Stanislav Ivanov nhắc lại sự kiện vào đầu tháng 11 vừa qua khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ điều 130 binh sỹ kèm theo các trang thiết bị, vũ khí đến đóng ở một thị trấn nằm trên địa bàn tỉnh Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq.
Mosul là vùng lãnh thổ của Iraq bị khủng bố IS chiếm giữ từ tháng 6 năm 2014. Việc điều quân bị đến Mosul của Thổ Nhĩ Kỳ không được chính quyền Iraq cho phép và ủy nhiệm.
Baghdad từng tuyên bố rằng đây là hành động vi phạm chủ quyền Iraq do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành, đồng thời yêu cầu Ankara rút quân và cam kết không tái diễn việc làm tương tự.
Chuyên gia Stanislav Ivanov cho rằng "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và những tùy tùng của ông ta tin rằng, tỉnh Nineveh của Thổ Nhĩ Kỳ bị Iraq sáp nhập bất hợp pháp từ năm 1920... Giờ đây, lợi dụng tình hình khi Iraq bị chia làm 3 phần (người Shiite ở miền Nam; Sunni ở miền Trung và người Kurd ở miền Bắc), ông Erdogan đã cổ vũ cho ý tưởng khôi phục lại cái gọi là "công bằng lịch sử" ".
Ankara từng tuyên bố rằng việc nước này điều quân đội, xe tăng, xe chiến đấu đến miền Bắc Iraq là để huấn luyện người Kurd đánh IS và được chính quyền Baghdad bật đèn xanh.
Tuy nhiên, theo ông Stanislav Ivanov, đây là những lời biện hộ dối trá và không thuyết phục vì Mosul là tỉnh của Iraq, do chính quyền Iraq quản lý và nước này không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tự ý làm điều này.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, khu vực miền Bắc Iraq là địa bàn có nhiều dầu mỏ, Ankara đã tận dụng bối cảnh hiện nay để thực hiện các phi vụ làm ăn, chuyển dầu từ Iraq lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà phân tích cho biết, Ankara có thể sẽ cổ vũ, hỗ trợ người Sunni, người Turkmen ở Syria, người Kurd thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq tiến hành trưng cầu dân ý theo ý đồ mà Thổ Nhĩ Kỳ giật dây.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ dường như không bận tâm đến cuộc phiêu lưu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngược lại, Mỹ cảm thấy hài lòng khi Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ thân cận với người Kurd bởi Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở Iraq có "ái lực" và mối quan tâm chung là Iran.
Nếu Ankara và người Kurd liên kết chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng của Iran và những người thân Iran ở Baghdad sẽ không phát huy được thế mạnh của ở Iraq. - chuyên gia Stanislav Ivanov nhấn mạnh.
Khi một quốc gia lâm vào tình cảnh bị chia cắt, loạn lạc, các thế lực muốn thực hiện các dã tâm chiếm đoạt lãnh thổ ở bên ngoài luôn trực chờ những cơ hội như vậy để ra tay, chớp thời cơ thực hiện những âm mưu đen tối, động trời, sẵn sàng bất chấp dư luận để đoạt được những toan tình của mình.
Nếu không tỉnh táo và có biện pháp đề phòng (đặc biệt là chiêu bài xây dựng cộng đồng nước người nước ngoài ngay trong lòng lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền, sự xuất hiện của các tổ chức phi pháp, phi ủy quyền được nước ngoài hỗ trợ...) , bất cứ quốc gia nào cũng có thể trở thành một miếng mồi ngon cho ngoại bang. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến điều này trong một số cuộc chiến và xung đột ở một số địa điểm nóng trên thế giới cách đây không lâu - PV.
Theo: Tin tức trong ngoài nước
Nguồn: Tintuc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét