Ý tưởng biến tàu ngầm thành 1 phương tiện giống như tàu sân bay, có thể triển khai các phương tiện không người lái dưới nước để tấn công đối phương từ khoảng cách nhất định.
Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Harry J. Kazianis cho biết:
Tàu ngầm tấn công hạt nhân uy lực của Mỹ đã từng (chí ít là cho tới gần đây) được xem là "vũ khí bí mật" – sức mạnh mà Mỹ và đồng minh sẽ sử dụng để đối phó Trung Quốc hoặc Nga nếu tình hình trở nên tồi tệ.
Cả 2 quốc gia này, cùng Iran và một số nước khác đang phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), khiến các phương tiện truyền thống như tàu sân bay gặp khó khăn trong việc tuần tra các tuyến đường biển quan trọng khi có khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, các tàu ngầm tàng hình có vẻ là phương thức tốt nhất để đảm bảo lợi thế chiến lược và chiến thuật.
Thậm chí có lúc các tàu ngầm tấn công còn trở thành thành tố chính trong chiến lược tác chiến Không-Biển của Mỹ để vô hiệu hóa A2/AD.
Tuy nhiên, như tất cả mọi thứ, những lợi thế từng tưởng chừng như lâu dài lại có thể bị suy yếu theo thời gian.
Đã có những tiến bộ trong các phương thức mới để phát hiện tàu ngầm (vượt xa phương pháp thủy âm đơn giản) và Trung Quốc đã bắt đầu bố trí mạng lưới sonar quan trọng tại những khu vực mà tàu ngầm Mỹ chắc chắn phải đi qua nếu có vấn đề.
Điều này khiến nhiều người bắt đầu lo ngại rằng các tàu ngầm mang công nghệ tinh vi của Mỹ có thể trở thành "các thiết giáp hạm" của thế kỷ 21.
Mô hình tàu ngầm "lai" tàu sân bay kết hợp tàu ngầm hạt nhân chiến lược Typhoon và một phần tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình Oscar của Nga.
Trong tình huống này, Mỹ tốt nhất nên làm gì?
Đã có cuộc thảo luận trong giới chuyên gia về việc biến tàu ngầm thành một loại phương tiện giống như tàu sân bay ngầm, có khả năng triển khai các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) để tấn công đối phương từ một khoảng cách nhất định.
Và nếu nghiên cứu ấn tượng đó "đơm chồi nảy lộc" thì các tàu ngầm "lai" tàu sân bay này có thể trở thành hiện thực.
Siêu UAV
Theo thông báo từ Phòng thử nghiệm vật lý (APL) – Đại học Johns Hopkins tại Laurel, Maryland, các nhà nghiên cứu đã tạo ra "một phương tiện không người lái tiên tiến".
Nó "có thể ‘phục kích’ dưới nước trong thời gian dài, đợi lệnh để bay lên không trung thực hiện một loạt nhiệm vụ".
Mặc dù nghiên cứu này có vẻ mới trong giai đoạn ban đầu nhưng đây là một phát minh đầy hứa hẹn.
Nếu UAV này có thể được triển khai từ ống phóng lôi của tàu ngầm hoặc ống phóng thẳng đứng, mang theo các cảm biến và một số loại vũ khí, Hải quân Mỹ sẽ có trong tay một phương tiện có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công từ khoảng cách xa.
Phương tiện này có thể di chuyển một chặng đường dài để vô hiệu hóa những thách thức mà các tàu ngầm Mỹ có thể phải đối mặt trong vài năm tới.
Mỹ cũng lên ý tưởng phát triển tàu ngầm "lai" tàu sân bay, với khả năng triển khai các UUV (Trong ảnh là mô hình tàu ngầm sân bay của Nga).
Trên thực tế, các tàu ngầm Mỹ thực sự có thể trở thành tàu sân bay ngầm, với khả năng trinh sát và tấn công từ trên không, cũng như dưới nước.
Các hệ thống trong nghiên cứu này có một số tính năng thú vị, khác với những gì mà hầu hết các chuyên gia nghĩ tới khi kết hợp tàu ngầm với UUV, thậm chí còn sáng tạo hơn nhiều.
Hệ thống mà John Hopkins đang chế tạo gọi là CRACUNS, được mô tả là loại UAV có thể phóng đi từ một vị trí cố định dưới nước hoặc từ UUV.
Nhóm nghiên cứu từ Đội Triển khai sức mạnh thuộc APL đã kết hợp với các chuyên gia chế tạo từ Khoa nghiên cứu và phát triển thăm dò để tạo ra loại phương tiện không người lái mới có thể hoạt động hiệu quả ở 2 môi trường khác nhau: trên không và dưới nước.
Điều đặc biệt đáng chú ý là UAV này có thể được triển khai từ UUV.
CRACUNS được mô tả là một loại UAV có thể phóng đi từ một vị trí cố định dưới nước hoặc từ UUV.
Nếu nghiên cứu thành công, tàu ngầm tấn công tương lai của Mỹ có thể triển khai các UUV với khả năng di chuyển hàng trăm dặm để thực hiện nhiệm vụ trinh sát hoặc tấn công.
Các UUV này lại có thể tự triển khai UAV trong nước hoặc trên không trung.
Phát kiến này còn mở ra khả năng phát triển một loại phương tiện bay với số lượng lớn, mang lại những lợi thế tuyệt vời: Chi phí thấp cho phép Mỹ triển khai CRACUNS với số lượng lớn trong những tình huống nguy hiểm, có thể là "hàng đàn" UAV.
"Các kỹ sư tại APL đã làm việc trên cả hệ thống tàu ngầm Hải quân và các UAV tự động trong thời gian dài" – ông Jason Stipes, quản lý dự án CRACUNS cho biết.
"Để đáp ứng những thách thức về nguồn tài trợ, chúng tôi phát triển một loại phương tiện có thể hoạt động cả dưới nước và trên không" – ông Stipes nói.
Có vẻ hệ thống mới này có một số tiềm năng tuyệt vời. Theo thông báo, CRACUNS có thể mang lại những khả năng mới, không có trên các loại UAV hoặc UUV hiện nay.
Nó có thể hoạt động ở những vùng duyên hải khắc nghiệt, tải trọng linh hoạt, cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ, đồng thời có thể nằm vùng hoặc được triển khai từ một độ sâu đáng kể.
CRACUNS còn có một tính năng thú vị, đặc biệt quan trọng đối với phương tiện không người lái dưới nước: đó là khả năng hoạt động ở vùng nước mặn. Phát minh này cho thấy một hướng suy nghĩ mới về việc chế tạo và sử dụng các hệ thống không người lái.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng mọi chuyện hiện nay vẫn đang gói gọn trong một chữ "Nếu…"
Liệu có thể biến những ý tưởng này thành một loại phương tiện lý tưởng với khả năng tấn công và trinh sát? Nó có thể được thu nhỏ và triển khai từ UUV hay không? hay chỉ có thể triển khai từ những UUV kích cỡ lớn hơn?
Tầm hoạt động của phương tiện này (cả trên và dưới nước) lớn tới mức nào?
Dù là gì thì nghiên cứu trên luôn có thể trở thành bước khởi đầu của một loại phương tiện tiên tiến hơn trong những năm tới.
Hiện tại, vẫn còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng nhìn chung, điều đó đã đủ khiến cho các nhà hoạch định kế hoạch của Moscow và Bắc Kinh phải "vò đầu bứt tai".
Theo: tin thế giới
Nguồn: tin tuc
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét