Vô thường - cuốn sách do tác giả Nguyễn Bảo Trung chấp bút là góc nhìn đầy nhân văn của vị bác sĩ hằng ngày chứng kiến những mảnh đời chấp chới giữa hai bờ sinh tử.
Cuốn sách ghi chép lại những câu chuyện có thật trong phòng cấp cứu của bác sĩ Bảo Trung lấy tên Vô thường - một thuyết của Đạo Phật. Phật cho rằng: “Tất cả những gì trong thế gian là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Vậy "vô thường" là không ngừng thay đổi hình dạng, trạng thái từ sanh (được sinh ra), trụ (còn ở điều kiện tốt), dị (chuyển từ từ sang xấu), diệt (đi đến tan rã). Tất cả mọi sự vật trên đời đều luôn luôn biến đổi. Thuyết Vô thường giúp khai trừ những sự mê lầm và ngăn chặn người đời chạy theo dục vọng một cách mù quáng.
Đúng như tên gọi của nó, cuốn sách của tác giả Bảo Trung viết về quy luật vô thường của cuộc đời con người là: sinh, lão, bệnh, tử. Con người sinh ra giữa cuộc đời, bon chen, vất cả cả một đời nhưng đến khi “nhắm mắt xuôi tay” đến cả tấm thân mình cũng không thể mang theo. Khi hiểu được Vô thường, con người sẽ tự động tránh xa những thú vui tạm bợ, tránh được “Tham-Sân-Si, Mạn, Nghi” để tìm thấy giá trị chân thật, cái hạnh phúc chân chính quanh mình.
Mỗi câu chuyện, mỗi mảnh đời trong Vô thường được kể một cách giản dị nhưng ẩn chứa những tầng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Mọi người sẽ nhận thức rõ quy luật sinh “sinh, lão, bệnh, tử” chẳng trừ riêng ai, qua đó nhận ra hạnh phúc thật sự cần phải kiếm tìm. Cuốn sách không chỉ làm độc giả rơm rớm nước mắt mà còn lay động, thức tỉnh mỗi người, làm người đọc tự nguyện tu tâm dưỡng tính, muốn được sống chứ không chỉ tồn tại.
Đứng trước bệnh tật, đời người trở nên mong manh, ngắn ngủi, con người mới chợt nhận ra mình còn rất nhiều thứ muốn nhưng chưa làm vì luôn nghĩ để ngày mai. Những mải mê cơm áo gạo tiền, những tính toan trong cuộc sống làm ta quên đi những giá trị thực, những con người thực mà ta cần phải yêu thương.
Một ví dụ cực kỳ sâu sắc mà bác sĩ Nguyễn Bảo Trung chỉ ra là trường hợp con cái khi bác sĩ hỏi cha mẹ bị bệnh gì, đã điều trị ở đâu chỉ có thể đáp mơ mơ hồ hồ. Để rồi lúc cha mẹ nhận “án tử” trong tay thì họ mới khóc lóc nhận ra rằng cha mẹ chỉ có một, sinh mạng chỉ có một. Đọc xong câu chuyện này, những ai xa quê hương sẽ chỉ muốn xách balo lên và trở về nhà, để “Cảm ơn cha mẹ đã là cha mẹ của con” rồi ăn cùng những đấng sinh thành bữa cơm đoàn tụ. Bởi cuộc đời vô thường lắm, chẳng ai biết trước chữ ngờ.
Hay câu chuyện của anh công nhân ít học cũng là điểm nhấn đáng nhớ với độc giả của Vô thường. Khi được hỏi có hận người cha luôn rượu chè say xỉn, chửi bới vợ con, làm anh em anh không được đi học, anh đã trả lời: “Không - Tốt xấu gì cũng là cha mình mà bác sĩ.” Câu chuyện đã dạy chúng ta rằng: Học nhiều hay học ít không quan trong bằng biết quan tâm cha mẹ già, ở đời là phải biết sống có tình có nghĩa.
Xuyên suốt cả cuốn sách, tác giả Bảo Trung luôn giữ cho mình một trái tim đa cảm, yêu thương con người, yêu thương cuộc đời, một trí tuệ thấm nhuần triết lý của Phật giáo. Những dòng chữ chứa đầy lòng trắc ẩn đã dạy con người biết yêu thương, trân trọng từng giây phút trong cuộc đời mình. Bên cạnh đó, Vô thường cũng diễn tả được những nỗi đau đớn bất lực của người thầy thuốc trước sự nghiệt ngã của số phận. Giữa lúc xã hội đang nóng lên với vấn đề y đức, cuốn sách đã đưa ra một cái nhìn chân thật, gần gũi về cuộc sống mà từng bác sĩ đang ngày ngày trải qua.
Cuộc đời quá vô thường, con người sinh ra rồi lại trở về với cát bụi. Những thứ tiền tài, danh vọng, giàu có... ta cứ tưởng sẽ làm ta hạnh phúc. Nhưng khi bệnh tật gõ cửa, khi đồng hồ cuộc đời bắt đầu đếm ngược, ta mới nhận ra rằng sống bằng một trái tim tử tế, biết yêu thương chia sẻ mới thật sự hạnh phúc. Vô thường làm người đọc thấy tĩnh tâm, thấy an nhiên trước cuộc đời đầy rối ren, toan tính.
Theo: Tin Giáo Dục
Theo: eva
Theo: eva
0 nhận xét:
Đăng nhận xét